Blogroll

Pages

Sunday, June 8, 2014

Tác giả bài hát Tình lỡ và bí mật về người con gái giấu tên?

Con đường mình đi xa thêm xa, có còn lại chăng dư âm thôi, em ơi, em ơi thu thiết tha... Ca khúc Tình lỡ đã và đang được nhiều bạn trẻ yêu mến bởi ca từ nhẹ nhàng, êm ái giống như lời tự sự buồn. Tác giả ca khúc này là ai và người con gái xuất hiện trong bài hát này nữa..? Cho người con gái Hải Phòng? Tôi đến và bắt gặp một ông già trên 80 tuổi, khuôn mặt thật hiền lành, mặc bộ pyjama đang ngồi trên chiếc ghế nhựa trước cửa nhà. Hỏi: Chú là nhạc sĩ Thanh Bình phải không ạ? Ông cười hiền: Đúng rồi! Tôi tặng ông cuốn Chuyện tình nghệ sĩ do tôi biên soạn và nói với ông là mình rất thích bài Tình lỡ của ông, ông hỏi: Bài đấy hay không? - Hay chứ ạ, cháu hát cho chú nghe nhé: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong cơn mưa bay… Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha…”. Ông ngồi gật gù nghe tôi hát, thỉnh thoảng hỏi xen vào “Bài này hay không?”. Cơ khổ, đầu óc của một ông già hơn 80 tuổi đã không còn minh mẫn, ngoài tên thật: Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1930 tại Bắc Ninh (hay Kinh Bắc, cái nôi văn hóa của miền Bắc), còn lại là những khoảng ký ức ít ỏi… Người viết phải cố gợi lại trong trí nhớ của ông từng chi tiết nhỏ. Ông cho biết mình học nhạc với một ông thầy ở Thanh Hóa dạo tản cư thời kháng chiến chống Pháp (1946-1947), rồi sau đó tự học và phát triển thêm… Hỏi về bóng hồng nào đã khiến ông phải đau khổ để viết nên tác phẩm Tình lỡ, ông bảo: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào! Tôi vào nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình lỡ (1954)…”. Theo tìm hiểu của người viết thì Tình lỡ là ca khúc chính được sử dụng trong phim "Nàng" do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện năm 1970 (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư, phim đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần 17). Góp mặt trong phim này có: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân và cả ca sĩ Phương Hoài Tâm... Ở cuối phim, Vân (Thẩm Thúy Hằng) đi dọc bãi biển trong buổi chiều lộng gió, tà áo dài bay phất phơ lồng trong tiếng hát của Khánh Ly: “... Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau. Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi. Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi... Con đường mình đi sao chông gai. Bước vào đời nhau qua bao nay. Em ơi, em ơi! sao đắng cay...”. Tôi đang cố khơi gợi lại trí nhớ của ông thì chị chủ nhà đi công chuyện về. Chị tên Phượng và là cháu gọi nhạc sĩ Thanh Bình bằng cậu ruột. Qua chị, tôi biết thêm một số điều. Quả thật câu hát “Nghe vàng mùa thu sau lưng ta” khắc khoải như số phận đầy đau khổ của nhạc sĩ. Sau 1954, nhạc sĩ Thanh Bình lấy vợ người Sài Gòn. Hai vợ chồng có một con gái và mở một tiệm cơm mà thực khách phần đông là những viên chức người Pháp. Rồi cô vợ bỏ chồng đi theo một người trong số họ về Pháp, bỏ lại đứa con gái cho ông. Vậy là “gà trống nuôi con” suốt mấy chục năm, cho đến lúc gả chồng cho con. Ông ở với vợ chồng người con gái trong một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp. Tuổi già, lại đeo thêm những chứng bệnh về tim mạch và cao huyết áp. Thỉnh thoảng các nghệ sĩ ở nước ngoài (ca sĩ Thanh Thúy, diễn viên Giang Kim…) gửi biếu ông chút tiền chữa bệnh. Rồi người con gái phải lâm vào vòng lao lý, chị Phượng đưa người nhạc sĩ già này về nhà mình nuôi dưỡng… Hằng ngày ông bắc ghế, ngồi nhìn ra đường, giữ nhà cho con cháu đi làm ăn, học hành. Chắc ông chẳng còn nhớ, chẳng bận tâm rằng mình một thời từng sáng tác được những ca khúc khiến bao trái tim thổn thức. Và nếu như có ai nhắc lại, ông gật gù hỏi: “Bài ấy có hay không?”. Thanh Bình không chỉ có mỗi ca khúc Tình lỡ, mà ông còn là tác giả của những ca khúc: Còn nhớ hay quên?, Đừng đến rồi đi (1959), Tiếc một người (1972)... Những cái tựa của các ca khúc kể trên khiến người ta tự hỏi: nhạc sĩ Thanh Bình viết cho ai đây, người yêu đầu đời hay người vợ tuyệt tình...? Theo Hà Đình Nguyên -